Thuở xa xưa, vào khoảng thời kỳ Angkor - độ bảy, tám trăm năm trước - vùng đất Trà Vinh ngày nay là vùng đất cao nhất của miền Thủy Chân Lạp - như một hòn đảo bị kẹp giữa hai nhánh sông Cửu Long, nhìn ra biển. Đây là nơi tập trung đông đúc người Khmer sinh sống nhất. Tập tục người Khmer làcả sóc, phum dùng chung nước của ao. Vùng này là vùng cao nên việc đào ao lấy nước là cả một công việc khó khăn, do vậy trưởng phum mới nghĩ ra một cách: chia hai nhóm đào thi, nhóm nào hoàn thành trong một đêm sẽ được thưởng. Đặc biệt một nhóm toàn đàn ông, một nhóm toàn phụ nữ. Nhóm phụ nữ được một người tên Om làm thủ lĩnh, đã nghĩ ra nhiều mẹo để qua mặt nhóm đàn ông. Bà cho một số chị em khá đẹp làm bộ làm biếng trốn qua chỗ nhóm đàn ông, bảo chắc chắn nhóm phụ nữ thế nào cũng thua, đào làm chi, họ còn bày ra ăn uống rượu chè làm nhóm đàn ông ỷ lại, vừa đào vừa chơi. Gần hết đêm, nhóm phụ nữ đã đào gần xong, nhóm đàn ông mới vội vàng đào nhưng vẫn không kịp, và dĩ nhiên họ đã thua. Và thủ lĩnh Om đã được người đời ca ngợi là người mưu trí và tên bà đã được lấy đặt cho ao..
Bản khác
Ngày xưa, có một nhóm người đàn ông và người đàn bà thi nhau đào ao.
Bà Om dẫn đầu phái nữ. Cả hai phái đặt điều kiện với nhau: Nếu bên nào thua thì bên đó phải cưới bên kia.
Hai bên đều giao ước với nhau đến khi sao Mai mọc thì cuộc thi đua chấm dứt.
Giao ước xong, hai bên bắt đầu đào ao. Bên phái nữ làm việc rất tích cực. Bên phái nam do ỉ lại sức mình khỏe. Làm việc lơ là. Đến nửa đêm, công việc bên bà Om sắp xong. Bà Om lấy đèn treo trên ngọn cây, giả làm sao Mai, phái nam tưởng đã kết thúc cuộc thi, bèn bỏ về.
Đến sáng hôm sau, khi hiểu ra thì đã muộn, bên nam chấp nhận thua.
Từ đó, có tục lệ trong hôn nhân phái nam phải đến hỏi cưới phái nữ..
57